CHƯƠNG I:

DẪN NHẬP: ĐỨC TIN, HY VỌNG, TÌNH YÊU

Thưa Hồng Y, có khi nào ngài cảm thấy sợ Chúa không?

 Có lẽ nói sợ thì không đúng. Qua Đức Ki-tô ta biết Chúa là ai rồi. Ngài yêu ta. Ngài biết ta là người thế nào. Là xác thịt, là tro bụi. Vì thế Ngài chấp nhận cái yếu đuối của ta.

Nhưng tôi luôn có cái cảm giác nóng bỏng là không chu toàn ơn gọi của mình, không đáp ứng điều Chúa muốn, và đã không cho đi cái mình có thể cho và phải cho. 

 Đã có lần nào Chúa phiền hà ngài hay đã có lúc nào ngài quyết định sai lầm?

 Chúa không phải là người cảnh sát, mà cũng chẳng phải vị quan toà chỉ muốn phạt mình. Nhưng, vì đức tin và nhiệm vụ được trao, mỗi ngày tôi phải xét mình, xem đã làm gì phải hay không phải. Dĩ nhiên tôi cũng thấy có điều lầm lỗi. Chuyện đó đã có bí tích hoà giải.  

 Người ta nói, người công giáo mang mặc cảm tội lỗi trước mặt Chúa.

 Tôi tin rằng người công giáo, trước hết nói chung, có cảm nhận là được Chúa thứ tha.  Hãy xem nghệ thuật Ba-rốc hoặc Rô-cô-cô. Ở đó toát lên nét tươi vui thanh thoát. Không phải không có lí do mà người ta bảo dân các nước công giáo điển hình như Í-đại-lợi hay Tây-ban-nha đều có tâm hồn thanh thản.

 Có lẽ cũng có những vùng Ki-tô giáo, mà vì lối giáo dục hoặc quan niệm lệch lạc, đã đề cao sự đe doạ và hình phạt, nhưng bản chất Ki-tô giáo không phải vậy. Theo tôi thấy, nói chung, những ai sống trong niềm tin của Giáo Hội, cuối cùng đều mang cảm nhận được cứu độ: Chúa không để mình hư mất! 

 Thỉnh thoảng Chúa có dùng thứ ngôn từ thật cụ thể để nói với ta: „Được, cứ thế mà làm“. Hay: „Này dừng tay lại, đây là lời cảnh cáo cuối cùng!“ không?

 Tiếng Chúa nhỏ nhẹ lắm. Nhưng Ngài cho ta nhiều dấu chỉ. Có thể khi nhìn lại, ta nhận ra dấu chỉ đó qua bạn hữu, qua một cuốn sách hay qua một thất bại, thậm chí một tai nạn.  Cuộc sống thật ra đầy những dấu chỉ âm thầm như thế. Với đầu óc tỉnh táo, từ từ ta nhận ra cái toàn thể từ các dấu chỉ đó, và ta bắt đầu cảm được Chúa đang dẫn dắt ta như thế nào. 

 Ngài trò chuyện với Chúa một cách tự nhiên như khi gọi điện thoại?

 Cũng có thể nói được như thế, trong mức độ nào đó. Tôi biết Ngài luôn có đó. Và Ngài dĩ nhiên biết tôi là ai, và tôi là người như thế nào. Nhất là khi tôi có nhu cầu muốn kêu Ngài tới, muốn tự thông báo và muốn thưa chuyện với Ngài. Tôi có thể trao đổi với Ngài những chuyện thật đơn giản, thật riêng tư, thật khó chịu cũng như điều lớn lao. Tôi gặp Ngài dễ dàng, suốt ngày luôn có thể nói chuyện với Ngài. 

 Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?

 Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc, này con, đừng coi trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu đế í, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hoá vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui, và đừng quên mặt hài hước của cuộc sống. 

 Đôi khi Ngài cũng phải bực bội Chúa?

 Dĩ nhiên nhiều lúc tôi cứ loay hoay với câu hỏi: Tại sao Chúa không giúp tôi nhiều hơn? Đôi khi tôi thấy Ngài khó hiểu. Những khi bất chợt gặp bực tức, tôi cũng cảm thấy Ngài bí ẩn và xa lạ. Nhưng trực tiếp giận Chúa, như thế là ta đã kéo Ngài xuống quá thấp. Nhiều khi lỗi nằm chính nơi cơn giận. Và nếu như cơn giận có lí do, thì ta phải nên tự hỏi, phải chăng Chúa muốn dùng sự việc hay cá nhân nào đó làm ta giận để nhắn nhủ mình một chuyện gì quan trọng? Tôi không bao giờ bực chính Chúa.  

 Mỗi sáng ngài bắt đầu làm gì?

 Trước khi đứng dậy, tôi cầu kinh một lát. Ngày tới sẽ khác, nếu ta không nhảy bổ ngay vào nó. Rồi đến những việc khác như người ta vẫn làm lúc sáng sớm, rửa ráy, ăn sáng. Sau đó dâng thánh lễ và đọc kinh nguyện. Hai chuyện này là công việc chính trong ngày của tôi: Thánh lễ là cuộc gặp gỡ cụ thể với Đức Ki-tô phục sinh, và kinh nguyện là đi vào lời cầu lớn của lịch sử cứu rỗi. Tôi thích nhất đọc Thánh Vịnh. Đó là lời cầu ngàn năm tiếp nối, và đọc nó là ta nghe tiếng nói của các giáo phụ. Tất cả những thứ đó là cánh cửa dẫn con người bước vào một ngày. Rồi tới công việc thường nhật.  

Ngài cầu nguyện thường xuyên?

 Các giờ nguyện trong ngày là buổi trưa, theo truyền thống Giáo Hội, lúc đó ta cầu cùng thiên thần Chúa (kinh truyền tin). Buổi chiều có kinh chiều, và tối có lời kinh tối của Giáo Hội. Giữa những giờ kinh đó, khi cảm thấy cần ơn Chúa, tôi đọc thêm những lần kinh ngắn. 

 Mỗi sáng ngài cầu kinh khác nhau?

 Không, chỉ có một bộ kinh sẵn, đó là một chuỗi lời kinh ngắn, nhưng đã được kết lại thành một công thức không đổi.  

 Theo ngài, nên đọc kinh nào?

 Mỗi người, tùy sở thích, có thể chọn cho mình một đôi kinh trong kho tàng của Giáo Hội. Buổi tối, khi cảm thấy mình bất an... ... thì tôi khuyên nên lần chuỗi. Ngoài tính chất linh thiêng của lời kinh, chuỗi còn có tác dụng trấn an tâm hồn. Càng để tâm lập đi lập lại lời kinh, ta quên đi những ý nghĩlàm mình nặng đầu. 

 Nếu như có chuyện đau đầu, thì ngài tự giải quyết chúng bằng cách nào?

 Tại sao tôi lại được miễn những chuyện đau đầu? Một mặt, tôi cố đưa chúng vào lời kinh nguyện, và cố bám chắc mình trong các lời kinh đó. Mặt khác, tôi cố đề ra cho mình một công việc khác, đòi hỏi công sức thực hiện cao hơn và đồng thời mang lại niềm vui cho mình. Và cuối cùng, nếu chưa hết, tôi có thể giải toả chúng phần nào qua gặp gỡ bạn bè. Ba yếu tố đó quan trọng.

 Tôi tin rằng ai cũng có lúc cảm thấy mỏi mệt, bị xâu xé, bất lực, và thất vọng cũng như tức giận về số phận xem ra âm thầm, bất công của mình. Ngài bảo đưa chúng vào kinh nguyện – đưa bằng cách nào?

 Có lẽ nên bắt đầu như ông Gióp. Thoạt tiên mình phải la Chúa: Tại sao Chúa đối xử với con như thế? Tiếng la của Gióp là một tiếng la thật, nó cũng nói cho ta biết, là mình có quyền làm như vậy – và ngay cả phải làm như vậy. Dù Gióp có than trách Chúa thật, cuối cùng Ngài cũng phải cho ông là có lí. Ngài bảo: Gióp làm đúng, còn những người khác, họ giải thích mọi chuyện, nhưng đã không nói về Ta một cách đúng đắn.

 Gióp nhảy vào cuộc đấu với những lời than trách Chúa. Nhưng rồi dần dần ông nghe ra tiếng Ngài, và sự việc đã xoay sang một chiều hướng khác. Nhờ đó, tôi bước ra khỏi tình trạng chỉ cảm thấy bị bách hại mà thôi, và biết rằng, dù lúc này đây tôi chưa thể hiểu ra tình yêu của Chúa, nhưng tôi có thể tin tưởng vào nó, và tin rằng, tình trạng đang xẩy ra cho tôi không hẳn là xấu. 

 Có lẽ người ta nên nghiêm khắc hơn đối với những chuyện đau đầu, đừng cho phép chúng lọt vào đầu thì hơn.

 Chẳng ai cấm được chúng. Các quyết định phải lấy, các thất bại, hiểu lầm, thất vọng... là những thứ con người không thể tránh được, mà cũng không nên tránh. Các vấn nạn khó khăn còn có tác dụng giáo dục, chúng giúp con người tập giải quyết vấn đề. Nếu muốn trở nên hoàn toàn như thép hoặc chai cứng, con người sẽ mất đi tính người và mất khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với tha nhân. Ông Seneca*, một người theo chủ nghĩa khắc kỉ, đã nói: Đau khổ vì kẻ khác là chuyện đáng tởm. Nhưng, nếu ta nhìn lên Chúa Ki-tô, ta thấy Ngài là đấng đã vì ta mà khổ đau, và chính cái đó làm Ngài trở nên cao trọng đối với ta. Có thể đau vì kẻ khác và có thể bị tổn thương là những thứ cũng thuộc bản chất của người theo Chúa. Như vậy, mình phải học chấp nhận tổn thương, học sống với tổn thương, và rốt cuộc phải tìm cách chữa lành chúng. 

 Nhiều người lúc nhỏ biết cầu nguyện, tới một lúc nào đó thói quen biến mất. Phải học nói chuyện với Chúa?

 Cái bộ phận dành cho Chúa trong ta có thể bị hư, nó làm cho ngôn ngữ đức tin mất hết ý nghĩa. Vả, ai không còn nghe được thì cũng chẳng còn nói được, bởi vì câm và điếc đi đôi với nhau.

 Cầu nguyện cũng giống như ta học tiếng mẹ đẻ. Càng học, từ từ mình càng lần ra được ngôn ngữ của Chúa và hiểu Ngài, cho dù Ngài vẫn luôn ẩn mặt. Và lần hồi chính mình biết ra được cách cầu nguyện và nói chuyện được với Chúa, bước đầu với những lời trẻ con – trong một ý nghĩa nào đó chúng mình vẫn luôn là trẻ con –, nhưng rồi càng lúc càng có được thứ ngôn ngữ riêng của mình.  

 Có lần ngài nói: Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù…

 …bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt. Vả lại,ta cũng chẳng thấy đúng,nếu như ta không phóng tầm nhìn vượt trên những cảm nhận giác quan trực tiếp. 

 Có người bảo, có được đức tin cũng giống như mình có cú nhảy vọt từ ao ra biển. Ngài còn nhớ biến cố đức tin lớn đầu đời của ngài không?

 Nơi tôi, đức tin lớn lên một cách âm thầm. Dĩ nhiên có những cao điểm, chẳng hạn như qua phụng vụ, qua thần học hay lúc suy tư đào sâu thần học, mình bỗng gặp được một cái gì mới đưa mình lên và đẩy mình đi xa trong đức tin. Tôi không thấy mình có được cú nhảy như anh nói. Mà trái lại, tôi như từ vũng nước cạn dám liều lĩnh dè dặt bước ra, và từ từ cảm được đại dương đang tới.

 Tôi cũng nghĩ, đức tin không bao giờ là cái gì đã hoàn chỉnh. Mà nó luôn phải được sống và thử thách trong cuộc sống, trong đau khổ, cũng như trong những niềm vui lớn mà Chúa trao tặng cho ta. Nó chẳng bao giờ như thể một đồng tiền mình có thể cầm bỏ túi.